KINH DOANH ĐA CẤP BẤT CHÍNH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

KINH DOANH ĐA CẤP BẤT CHÍNH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Việc đưa ra một khái niệm cụ thể về kinh doanh đa cấp bất chính là rất khó, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng những thủ đoạn tinh vi và đa dạng nhằm thu lợi bất chính. Pháp luật nhiều nước cũng đưa ra định nghĩa về kinh doanh đa cấp bất chính:

Theo Hiệp hội bán hàng trực tiếp của Hoa Kỳ thì : “Kinh doanh đa cấp bất chính là một chuỗi người (gồm nhiều tầng) mà trong đó những người thuộc tầng cuối cùng trả tiền cho một vài người ở tầng cao nhất”.

Luật chống mô hình tháp ảo của Hoa Kỳ định nghĩa: “Kinh doanh đa cấp bất chính (pyramid promotional shemes) là một kế hoạch mà trong đó người tham gia quan tâm đến quyền được nhận tiền hoa hồng chủ yếu từ việc tuyển người mới tham gia vào mạng lưới hơn là từ tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho những người tham gia khác hoặc bởi những người tham gia cho người khác”.

Trong hai định nghĩa trên cho thấy kinh doanh đa cấp bất chính là một mô hình gồm nhiều tầng, trong đó người tham gia có quyền tuyển dụng thêm người mới vào mạng lưới và được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng được nhận không phải do doanh số của việc bán hàng mà chủ yếu là từ việc tuyển người mới tham gia vào mạng lưới và lấy tiền của người mới tham gia đóng vào để chi trả hoa hồng cho những người ở tầng trên.

KINH DOANH ĐA CẤP BẤT CHÍNH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Hình ảnh minh hoạ

Trong pháp luật Singapore và Canada cũng cấm hành vi kinh doanh đa cấp bất chính này. Điều 55 pháp luật Cạnh tranh năm 1933 của Canada quy định cấm đối với mô hình tháp ảo. Mục đích của kinh doanh đa cấp bất chính là lấy tiền của người tham gia và dùng người tham gia để lợi dụng lừa gạt những người tham gia khác. Pháp luật Canada nhìn nhận mô hình tháp ảo dưới góc độ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đưa ra các dấu hiệu để phân biệt với kinh doanh đa cấp chân chính trong đó có điểm mới đáng lưu ý là quy định thêm trách nhiệm thông tin chi tiết về mức thu nhập điển hình của người tham gia mạng lưới đa cấp.

Năm 1973, Luật chống bán hàng đa cấp và mô hình tháp ảo (The multi level marketing and Pyramid Selling Prohibition Act) được ban hành với mục đích bảo vệ người tiêu dùng trước mô hình tháp ảo. Theo pháp luật của Singapore, mô hình tháp ảo có những đặc điểm sau:

–    Một là, doanh nghiệp thổi phồng về việc rất dễ kiếm tiền, rằng mọi người sẽ trở nên giàu có trong một khoảng thời gian rất ngắn và cách để đạt được điều đó là tuyển người tham gia vào mạng lưới.

–    Hai là, giá cả sản phẩm được mua từ doanh nghiệp không ở mức mà người ta sẽ mua trong điều kiện bình thường.

–   Ba là, người tham gia bị yêu cầu phải đầu tư tiền vào hệ thống cho dù dưới hình thức mua hàng hay đóng phí tham gia.

Dưới góc độ pháp luật Việt Nam kinh doanh đa cấp bất chính được nhìn nhận dưới góc độ hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Hoạt động này là một trong những đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004 và cụ thể hơn là một trong số những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị Luật cấm. Pháp luật cạnh tranh nước ta không đưa ra một định nghĩa khái quát về kinh doanh đa cấp bất chính như trong pháp luật Hoa Kỳ và không chỉ ra các đặc điểm của mô hình tháp ảo như trong pháp luật Singapore mà đánh mạnh vào việc liệt kê ra những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính tại Điều 48 Luật Cạnh tranh 2004 được cụ thể hóa tại Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CPvề quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và nhằm mục đích sinh lợi thì được coi là hành vi kinh doanh đa cấp bất chính.

Qua quy định trong pháp luật của một số nước, có thể hiểu kinh doanh đa cấp bất chính là hành vi kinh doanh mà doanh nghiệp và những người tầng trên trong mạng lưới người tham gia hưởng các lợi ích kinh tế không dựa trên lượng sản phẩm do những người tham gia tiêu thụ được mà dựa trên khoản tiền đóng góp của mỗi người tham gia bị lôi kéo vào mạng lưới kinh doanh. Kinh doanh đa cấp bất chính là một hành vi không lành mạnh, vi phạm đạo đức kinh doanh. Pháp luật các quốc gia đều ra sức chống lại hành vi này.

Đặc điểm của hành vi kinh doanh đa cấp bất chính

Kinh doanh đa cấp bất chính mặc dù cũng mang một số đặc điểm giống với kinh doanh đa cấp chân chính như: người tham gia đều được tổ chức theo cấu trúc hình tháp nhiều tầng và mỗi người đều có quyền tuyển dụng người tham gia vào mạng lưới, nên rất dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nét khác riêng biệt, qua việc phân tích những đặc điểm của kinh doanh đa cấp bất chính đồng thời so sánh, đối chiếu với những đặc điểm của kinh doanh đa chân chính sẽ cho thấy rõ ràng hơn về sự khác biệt trong mô hình này.

Thứ nhất, kinh doanh đa cấp bất chính mang tính chất của sự chiếm dụng vốn. Trong mô hình kinh doanh đa cấp chân chính, mục đích của mô hình này là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đào tạo những phân phối viên chuyên nghiệp, chuyên tiếp thị sản phẩm và bán lẻ trực tiếp sản phẩm cho người tiêu dùng, thu nhập của phân phối viên chủ yếu dựa trên khả năng bán lẻ sản phẩm của doanh nghiệp. Với kinh doanh đa cấp bất chính, cũng nhằm hướng tới lợi nhuận nhưng không đi bằng còn đường hợp pháp, không nhằm bán lẻ sản phẩm mà thực chất là sự chiếm dụng vốn của những người tham gia. Theo đó, những người muốn tham gia mạng lưới này phải đặt cọc một khoản tiền, mua một khối lượng sản phẩm ban đầu hay phải nộp một khoản tiền. Những yêu cầu trên của doanh nghiệp là hết sức bất hợp lý bởi lẽ: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”. Nhưng trong quan hệ giữa doanh nghiệp, người tham gia và người tiêu dùng là một quá trình mua đứt, bán đoạn. Người tham gia bỏ một khoản tiền mua sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó bán lại cho người tiêu dùng như vậy giữa người tham gia và doanh nghiệp đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ sau việc mua bán ban đầu, các hoạt động sau của người tham gia là hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc hay liên quan đến doanh nghiệp, không phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau, cớ sao lại bắt người tham gia phải đặt cọc một khoản tiền như trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình. Hai là, người tham gia là người phân phối sản phẩm của doanh nghiệp cho người tiêu dùng, hoặc người tham gia khác, chứ không phải người tiêu dùng chính của doanh nghiệp nên việc yêu cầu người tham gia phải mua một khối lượng sản phẩm ban đầu trong khi họ không có nhu cầu sử dụng cũng là không phù hợp. Một trong những chiêu thức để chiếm dụng vốn của người tham gia nữa đó là yêu cầu người tham gia nộp một khoản tiền để được vào mạng lưới. Người tham gia, đã bỏ tiền ra để mua sản phẩm của doanh nghiệp để bán lại cho người tiêu dùng, vậy khoản tiền này dùng để làm gì, có chăng chỉ là để trả cho cái gọi là “hoa hồng” cho những người tham gia cấp trên khác. Nói chung, bằng cách yêu cầu sách nhiễu khác nhau, doanh nghiệp đã chiếm dụng vốn của người tham gia cấp dưới để chi trả cho những người khác ở tầng trên và chiếm dụng vốn cho chính mình, đây là một hành vi không lành mạnh, vi phạm đạo đức kinh doanh.

Thứ hai, kinh doanh đa cấp bất chính phản ánh chiến lược dồn hàng cho người tham gia. Việc mua lại sản phẩm để bán lại cho người tiêu dùng là một công việc hoàn toàn độc lập của mỗi phân phối viên. Dựa trên những thông tin do nhà sản xuất cung cấp về công dụng, tính năng của sản phẩm cũng như việc nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng và khả năng bán hàng của mình mà phân phối viên sẽ đặt mua từ doanh nghiệp những sản phẩm khác nhau và tự chịu trách nhiệm phân phối chúng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bất chính lại muốn hưởng lợi bằng việc dồn hàng cho người tham gia thông qua việc lừa dối, đưa ra những thông tin nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, khiến họ tin và mua. Nhưng khi sản phẩm đến với người tiêu dùng, do không đúng như những gì đã được tiếp thị, sản phẩm không đúng tính năng hoặc có nhưng rất ít, khiến người tiêu dùng mất niềm tin, không mua sản phẩm nữa thì lúc này, người tham gia phải tự xử lý số hàng đó. Người tham gia không bán được hết hàng hóa thì cũng đồng nghĩa với việc họ ôm lấy số lượng sản phẩm đó cho chính mình, doanh nghiệp không cần quan tâm đến việc họ làm sao với số sản phẩm, chỉ cần dồn hàng là trách nhiệm đã chấm dứt. Còn trong các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, luôn coi mỗi phân phối viên đóng vai trò như là trung gian, đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, để quảng bá rộng rãi sản phẩm của doanh nghiệp vì vậy luôn tạo điều kiện để phân phối viên tin tưởng và yên tâm bán hàng cho doanh nghiệp. Nếu phân phối viên không bán hết được số lượng sản phẩm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia, nếu hàng hóa vẫn đảm bảo mẫu mã, chất lượng.

Thứ ba, kinh doanh đa cấp bất chính tập trung chủ yếu vào việc dụ dỗ, lôi kéo người tham gia. Nếu mô hình kinh doanh đa cấp chân chính vào những năm 1960 hoạt động theo nguyên tắc “từ con người tới con người”, có nghĩa là từ một người tham gia lại giới thiệu cho một người khác, sau đó người này lại giới thiệu cho hai người tiếp theo và kế tiếp người đó là lại giới thiệu cho người khác nữa, cứ như vậy mạng tầng lớp được hình thành. Thì trong mô hình “tháp ảo” – kinh doanh đa cấp bất chính, lại dụ dỗ lôi kéo người tham gia bằng cách hứa hẹn những khoản hoa hồng cao ngất ngưởng, cũng như các món hời dễ dàng nếu người đó đóng tiền tham gia cũng như lôi kéo thêm được người khác gia nhập mạng lưới. Và trong khi doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính, trả hoa hồng dựa trên khối lượng sản phẩm do cá nhân bán được và doanh số sản phẩm do cấp dưới do mình bảo trợ hoặc hướng dẫn bảo trợ tiêu thụ được thì kinh doanh đa cấp bất chính cũng trả hoa hồng nhưng hoa hồng ở đây là dựa trên việc dụ dỗ người tham gia vào mạng lưới. Càng nhiều người tham gia vào mạng lưới, càng nộp nhiều tiền đặt cọc, hay khoản tiền gọi là phí tham gia thì hoa hồng càng cao. Như vậy, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp đâu phải dựa trên lợi nhuận do việc bán hàng hóa mà thực chất là việc, lôi kéo, dụ dỗ nhiều người tham gia, lấy tiền của người tham gia sau để gọi là “hoa hồng” chi trả cho người tham gia trước.

Thứ tư, kinh doanh đa cấp bất chính mang tính chất lừa dối. Việc lừa dối của doanh nghiệp được thể hiện qua việc lừa dối đối với người tham gia và người tiêu dùng. Với người tham gia, để thu hút đông đảo lực lượng tham gia mạng lưới, doanh nghiệp kinh doanh bất chính thường đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin để vẽ ra một chân trời mới, một kế hoạch khởi nghiệp hoàn hảo, một chiến lược kinh doanh để đạt đến thành công. Hơn nữa, nắm bắt được tính hám lợi của con người, muốn giàu một cách nhanh chóng mà không phải trải qua nhiều gian khổ bên cạnh đó còn hưởng một lượng hoa hồng tăng nhanh chóng, cũng như những lợi ích vật chất hào nhoáng như nhà lầu, xe hơi, những chuyến du lịch nước ngoài…doanh nghiệp đã tạo ra một thế giới ảo để chiếm lấy lòng tin của mọi người. Thông qua những buổi thuyết trình, tập huấn hay những chương trình đào tạo kỹ năng cũng như lấy một số nhân chứng sống giả danh để lừa dối người tham gia. Cũng vì những lời nói và lợi ích vật chất phù phiếm mà những người như đa phần là sinh viên hoặc lao động nghèo dễ bị sa chân vào bẫy đã được dựng sẵn.

Với người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính thường thu hút người tiêu dùng bằng cách không ngừng lựa chọn, sản xuất những sản phẩm uy tín và nâng cao chất lượng để tạo niềm tin trong mắt người tiêu dùng. Trái lại, do doanh nghiệp kinh doanh bất chính thường tập trung vào việc thu hút người tham gia, chứ không mấy quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhưng vẫn muốn bán được nhiều sản phẩm vậy nên  thường cung cấp những thông tin không chính xác về sản phẩm để người tham gia tiếp thị cho người tiêu dùng hay quảng bá một cách thái quá chất lượng, công dụng của sản phẩm, khiến người tiêu dùng bị lầm tưởng  và mua sản phẩm. Việc làm này không chỉ khiến hiểu sai về công dụng thực chất của sản phẩm, không đáng với cái giá trên trời mà người tiêu dùng phải chi trả mà còn làm mất uy tín, mối quan hệ tốt đẹp của người tham gia.

Qua những đặc điểm cơ bản trên, đã thấy được phần nào những yếu tố bất chính trong hành vi kinh doanh này. Kinh doanh đa cấp bất chính đã làm biến dạng một phương thức kinh doanh chân chính trong khi đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển; không những thế nó còn để lại những hậu quả đáng bàn, gây nhiều tác động tiêu cực cho doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, người tiêu dùng, người tham gia và toàn xã hội.

Tác động tiêu cực của hành vi kinh doanh đa cấp bất chính

Đối với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp

“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, chính những doanh nghiệp có hành vi kinh doanh đa cấp bất chính đã làm vấy bẩn bộ mặt của những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Do ngày càng nhiều người tham gia bị dụ dỗ, bị lửa đảo để rồi trở thành nạn nhân của kinh doanh đa cấp bất chính thì tiếng xấu về kinh doanh đa cấp ngày càng tăng. Thêm vào đó là tâm lý e ngại, dè chừng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp đa cấp và những sản phẩm của doanh nghiệp, cùng với tâm lý vơ cả nắm không cần phân biệt là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính hay bất chính hiện hữu trong đa số người tiêu dùng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hiện nay đã khó khăn trong việc tạo niềm tin với người tiêu dùng, nay, gặp tiếng xấu này lại càng khó khăn hơn. Không những vậy, hành vi bất chính của những doanh nghiệp này còn làm cho môi trường cạnh tranh trở nên không lành mạnh, trong khi doanh nghiệp kinh doanh chân chính tạo dựng thương hiệu của mình thông qua việc không ngừng tiếp thị rộng rãi và nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp bất chính lại phá hủy thành quả đó, không những vậy, còn tạo tiếng xấu, gây những nhầm lẫn hiểu sai về phương thức kinh doanh chân chính này.

Đối với người tham gia, tiêu dùng

Hơn ai hết, người tham gia chính là những người đầu tiên bị thiệt hại trực tiếp, chính người tham gia là người mất không một khoản tiền lớn để có thể trở thành thành viên của mạng lưới. Đối với mỗi người nông dân, khoản tiền này là từ mồ hôi, nước mắt là thu nhập lớn lao của họ, nên khi mất đi, họ sẽ cố gắng lấy lại vốn bằng cách lôi kéo những người khác; nhưng họ đâu có biết rằng, rồi người khác cũng bị lừa. Không những mất đi niềm tin trong mắt bạn bè, người thân, những người đã bị dụ dỗ vào hình thức bất chính này mà còn bị mang tiếng là lừa đảo, lừa đảo vì đã dụ dỗ lôi kéo ngay chính người thân quen của mình và gian dối về  những thông tin sai lầm về công dụng của sản phẩm do người tham gia bị doanh nghiệp cung cấp một cách không chính xác. Tiền mất, tật mang là những gì mà người tham gia trong các công ty kinh doanh đa cấp bất chính phải hứng chịu, họ chỉ có thể trách do bản thân quá cả tin, hám lợi hay do các doanh nghiệp này quá tinh vi, xảo quyệt.

Với người tiêu dùng, những doanh nghiệp bất chính thường tập trung vào việc dụ dỗ người tham gia hơn là việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy cho nên, việc xuất hiện các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính này làm cho người tiêu dùng hoang mang về chất lượng sản phẩm mình đang dùng, thêm vào đó hàng kém chất lượng, không đúng với những gì được tiếp thị sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, việc người tiêu dùng bỏ ra hàng trăm, hàng triệu hàng chục triệu để mua hàng nhưng không tương xứng với mức tiền ấy là cũng chuyện thường tình. Việc doanh nghiệp đưa ra những thông tin gian dối để ngưởi tiêu dùng mua sản phẩm là hành vi lừa đảo, nhưng hành vi này ngày càng tinh vi với nhiều chiêu thức, vì vậy, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ thông minh, đủ kiến thức và trình độ để phân biệt và không trở thành nạn nhân của hành vi kinh doanh đa cấp bất chính.

Đối với xã hội

Bất cứ hiện tượng tiêu cực nào xuất hiện thì dần dần toàn xã hội cũng phải gánh chịu hậu quả của nó. Kinh doanh đa cấp bất chính cũng vậy, hành vi này làm phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội, vì kinh doanh đa cấp bất chính mà bạn bè, người quen thậm chí là những người thân trong gia đình có khi không thèm nhìn mặt nhau. Con người luôn trong trạng thái hoài nghi, mất niềm tin với mọi người xung quanh, gây tâm lý lo sợ khi tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội. Không những thế, bằng nhiều cách thức khác nhau, cùng với những thủ đoạn lừa dối tinh vi trong kinh doanh đa cấp bất chính làm gia tăng số nạn nhân, số thiệt hại và cũng gia một số tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quảng cáo gian dối…làm cho xã hội vốn bất ổn nay càng nhiều bất ổn hơn.

Tóm lại, kinh doanh đa cấp bất chính là một hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người, từ cá nhân, tổ chức đến toàn xã hội. Hành vi này đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, xâm lấn môi trường kinh doanh của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy việc ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi bất chính này là vô cùng thiết yếu, để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.

2 thoughts on “KINH DOANH ĐA CẤP BẤT CHÍNH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *