THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VIỆC DẪN ĐỘ TRONG LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ

THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VIỆC DẪN ĐỘ TRONG LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ

Luật hình sự quốc tế quy định thẩm quyền xét xử:

Trong Luật hình sự quốc tế, việc quy định thẩm quyền xét xử đối với các hành vi phạm tội đã được quy định tương đối cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như: tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và cộng đồng quốc tế, phạm vi gây nguy hiểm cho một hay nhiều quốc gia hay toàn cầu; v.v…

Tội phạm khi thực hiện gây nguy hại cho xã hội, cho hòa bình và an ninh của nhân loại và xâm phạm quyền con người thì thường được xét xử theo các cấp độ khác nhau. Đối với tội phạm quốc tế, việc xét xử được tiến hành tại Tòa án quốc tế như (Tòa án quốc tế Nurrumbe, Tôkyô, Tòa án hình sự quốc tế về Ruanđa và Nam Tư cũ, Tòa án hình sự quốc tế theo Quy chế Rome năm 1998) vì tính nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm quốc tế gây ra cho cộng đồng quốc tế.

 

Về cơ bản, như đã đề cập tội phạm quốc tế có thể bao gồm các nhóm chính sau: Tội phạm chiến tranh, tội diệt chủng, tội phạm chống loài ngư­ời và tội xâm phạm hòa bình. Tất cả các tội phạm quốc tế này đã được cộng đồng quốc tế liệt kê các hành vi phạm tội cụ thể, đồng thời chúng đều đi ngược lại các chuẩn mực chung của pháp luật, quy tắc chung của đời sống pháp lý quốc tế, cũng như nguyên tắc nhân đạo trong luật quốc tế, xâm phạm đến các chuẩn mực hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và Nhà nước, đặc biệt các tội phạm này đã xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, quyền dân tộc và quyền con người. Chính vì lẽ đó, nhân loại và cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao vai trò của các Tòa án có thẩm quyền xét xử các loại tội phạm này và gọi chung là Tòa án hình sự quốc tế. Về thẩm quyền xét xử/tài phán của Tòa án hình sự quốc tế (gọi tắt là ICC) theo Quy chế Rome năm 1998 được đề cập với các quy định như sau:

Thứ nhất,

Các tội phạm của thẩm quyền xét xử (tài phán) của ICC bao gồm: tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội chống loài người và tội xâm lược. Đây là các tội phạm gây sự lo ngại và nguy hiểm nhất cho cộng đồng quốc tế. Quy chế Rome cũng đã ghi nhận định nghĩa và quy định cụ thể các yếu tố cụ thể của những loại tội phạm này, đồng thời ghi nhận các hành vi phạm tội cụ thể (ví dụ: quy định 05 hành vi cấu thành tội diệt chủng, 11 hành vi cấu thành tội chống loài người, 50 hành vi cấu thành tội phạm chiến tranh; v.v…).

Thứ hai,

Điều 12 Quy chế quy định điều kiện thực hiện quyền tài phán, thẩm quyền theo lãnh thổ và quyền tài phán đương nhiên. Theo đó, quốc gia trở thành thành viên của Quy chế này thì cũng chấp nhận quyền tài phán của Tòa án đối với các tội phạm nêu tại Điều 5. Trong trường hợp quy định tại khoản a hoặc c Điều 13, Tòa án có thể thực hiện quyền tài phán nếu một hoặc nhiều quốc gia sau là thành viên của Quy chế này hoặc đã chấp nhận quyền tài phán của Tòa án theo quy định tại khoản 3: 1) Quốc gia mà trên lãnh thổ có tội phạm xảy ra hoặc quốc gia nơi đăng ký tàu thuyền hoặc tàu bay, nếu tội phạm được thực hiện trên tàu thuyền hay tàu bay; 2) Quốc gia mà người bị buộc tội là công dân. Như vậy, thẩm quyền theo lãnh thổ của ICC được Quy chế quy định một cách tương đối mở rộng, phục vụ Tòa án thực hiện tốt quyền tài phán của mình.

Thứ ba,

Điều kiện để thực hiện thẩm quyền tài phán của ICC cũng được quy định cụ thể trong Quy chế. Theo đó, căn cứ quy định tại đoạn 10 của Lời nói đầu và Điều 1, Tòa án quyết định không thụ lý vụ việc nếu: 1) Vụ việc đang được một quốc gia có quyền tài phán điều tra hoặc truy tố, trừ khi quốc gia đó không muốn hoặc không đủ khả năng tiến hành điều tra hoặc truy tố một cách thực sự; 2) Vụ việc đã được một quốc gia có quyền tài phán điều tra và quốc gia này đã quyết định không truy tố cá nhân liên quan, trừ khi quyết định đó xuất phát từ việc quốc gia này không muốn hoặc không đủ khả năng truy tố một cách thực sự; 3) Cá nhân liên quan đã bị xét xử về chính hành vi nêu trong đơn khiếu nại và Tòa án không được phép xét xử theo quy định tại Điều 20 khoản 3; 4) Vụ việc không đủ mức nghiêm trọng cần Tòa án giải quyết.

 

Do đó, để xác định việc một quốc gia không muốn điều tra, truy tố trong một trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ căn cứ vào các nguyên tắc tố tụng được thừa nhận trong luật quốc tế, xem xét có tồn tại một hoặc những yếu tố sau hay không: 1) Thủ tục tố tụng đã hoặc đang được tiến hành hoặc quyết định của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó là nhằm bao che cho cá nhân liên quan khỏi trách nhiệm hình sự về những tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án tại Điều 5; 2) Có sự trì hoãn vô lý trong việc tiến hành thủ tục tố tụng, trái với mục đích đưa cá nhân liên quan ra trước công lý; 3) Thủ tục tố tụng đã hoặc đang không được tiến hành độc lập hoặc công bằng hay đã hoặc đang được tiến hành theo cách thức trái với mục đích đưa cá nhân liên quan ra trước công lý.

Bên cạnh đó, để xác định việc một quốc gia không có khả năng điều tra, truy tố trong một trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ xem xét có phải do hệ thống tư pháp quốc gia bị sụp đổ hoàn toàn hay phần lớn hoặc do không có hệ thống tư pháp mà quốc gia đó không thể bắt giữ được người bị buộc tội hoặc thu thập được các chứng cứ và lời khai cần thiết hoặc không thể tiến hành tố tụng được hay không. Như vậy, việc xác định đúng quyền tài phán của ICC và các điều kiện thực hiện các quyền đó chính là bảo đảm sự “phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia… bảo đảm cho ICC hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Điều đó cũng hạn chế được nguy cơ sử dụng ICC làm công cụ của quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân vì mục đích chính trị

THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VIỆC DẪN ĐỘ TRONG LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ
Hình ảnh minh hoạ

Khác với tội phạm quốc tế, tội phạm có tính chất quốc tế lại không phải là đối tượng trực tiếp được giải quyết tại Tòa án hình sự quốc tế, mà lại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án trong luật quốc giađồng thời các phán quyết được thi hành theo pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, các yêu cầu bắt buộc là khi quốc gia tiến hành xét xử phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, các điều ước, hiệp ước quốc tế mà các quốc gia đã tham gia ký kết. Nội dung và các nguyên tắc xác định thẩm quyền tài phán đối với các tội phạm có tính chất quốc tế đã được các quốc gia thành viên thống nhất và thông qua. Mỗi một lĩnh vực tương ứng đều có các điều ước, hiệp ước quốc tế ký kết giữa các thành viên để ngăn chặnvà xử lý các hành vi phạm tội. Các Công ước đã liệt kê ở trên là minh chứng cho điều này và thẩm quyền tài phán cũng đã được liệt kê cụ thể trong các Công ước tương ứng đó.

Tóm lại, hiện nay để có cơ sở pháp lý chặt chẽ và đầy đủ xử lý các tội phạm có tính chất quốc tế, cũng như nâng cao sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc truy cứu và đưa ra xử lý các hành vi phạm tội đòi hỏi các quốc gia cần soạn thảo và tham gia ban hành, ký kết nhiều Công ước, hiệp ước để có cơ sở pháp lý bổ sung cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự và thiết lập quyền tài phán của quốc gia, đồng thời còn thể hiện nội dung: việc giữ gìn, tôn trọng và bảo vệ hòa bình, an ninh nhân loại, chủ quyền quốc gia và các quyền con người trước sự xâm hại và đe dọa xâm hại của tội phạm quốc tế, tội phạm có tính chất quốc tế là trách nhiệm rất nặng nề và cao cả của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Luật hình sự quốc tế quy định hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm để xử lý và bảo vệ quyền con người.

Hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm nguy hiểm là một trong những yêu cầu quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm xử lý và truy cứu các hành vi phạm tội gây nguy hại cho xã hội và cộng đồng quốc tế, cũng như xâm phạm đến các quyền và tự do của con người. Sở dĩ có hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm chính vì đây là khả năng duy nhất và quan trọng để thực hiện đầy đủ các hành vi tố tụng hình sự cần thiết ở nước ngoài. Mặc dù vậy, hoạt động tương trợ tư pháp, đặc biệt là dẫn độ tội phạm có liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, do đó, đòi hỏi các quốc gia cần phải có quy định chặt chẽ và đầy đủ các điều ước, hiệp ước tư pháp liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm, để tránh xảy ra tranh chấp khi có công dân của một nước vi phạm pháp luật quốc tế. Đặc biệt, các hành vi tố tụng của các quốc gia có thẩm quyền tài phán chỉ thực sự thực hiện được đầy đủ và đưa người phạm tội ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, trước cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và của con người, nếu có sự tương trợ tư pháp của các cơ quan tư pháp nước tương trợ tư pháp.

Nội dung tương trợ tư pháp theo Luật hình sự quốc tế được ký kết giữa các quốc gia để điều chỉnh các nội dung liên quan đến thủ tục tố tụng như: tiến hành các hoạt động tác nghiệp, lấy lời khai, hỏi cung nhân chứng – bị cáo, nghiệp vụ điều tra, trưng cầu ý kiến chuyên gia, thực hiện các hoạt động khám xét, chuyển giao vật chứng, chuyển giao và tiếp nhận các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc, truy tìm người phạm tội, các thông tin cá nhân – nhân thân của người phạm tội… Những nội dung này được ghi nhận cụ thể trong các điều ước quốc tế song phương hay đa phương giữa hai hay nhiều quốc gia để đấu tranh phòng, chống một hay nhiều loại tội phạm cụ thể như: tội phạm khủng bố, buôn lậu, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; v.v…

Trong khi đó, dẫn độ tội phạm cũng là một nội dung quan trọng của Luật hình sự quốc tế, chế định này bên cạnh ý nghĩa buộc những người gây ra tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, còn có vai trò thể hiện sự hợp tác của các quốc gia trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong đó có dẫn độ, hoặc giữa các quốc gia ký kết hiệp định tương trợ dẫn độ chính là hình thức hợp tác quốc tế song phương hay đa phương trong lĩnh vực Luật hình sự quốc tế. Tuy nhiên, dẫn độ tội phạm lại “động chạm” đến chủ quyền quốc gia và các quyền lợi của quốc gia trong đó, có quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, giải quyết vấn đề nhạy cảm này, đòi hỏi pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế liên quan đến các điều ước về dẫn độ cần đầy đủ về nội dung, chặt chẽ về thủ tục và phải là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa tội phạm, nhưng quan trọng hơn vẫn phải tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Dẫn độ tội phạm là một hình thức trợ giúp pháp lý quan trọng trong việc thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia trong lĩnh vực hình sự. Các hoạt động liên quan đến dẫn độ thuộc và chỉ thuộc quốc gia có quyền ký kết các điều ước quốc tế. Do đó, dẫn độ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của quốc gia. Nói chung, thực tiễn quốc tế đều khẳng định, cơ sở pháp lý của dẫn độ thông thường được dựa trên pháp luật quốc gia hay các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia về tương trợ tư pháp, về phòng chống các loại tội phạm có tính chất quốc tế. Vì vậy, hiện nay các quốc gia đã thống nhất danh mục các loại tội phạm cần phải dẫn độ, tiêu chuẩn và chế tài áp dụng, cũng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc và điều kiện dẫn độ tội phạm.

Trong các nguyên tắc dẫn độ tội phạm, bên cạnh nguyên tắc có đi có lại để thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế, trong việc cùng nhau xử lý tội phạm, không có sự bao che, bảo kê cho tội phạm. Ngoài ra, cũng còn có nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình khi một nước yêu cầu dẫn độ công dân nước họ để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án.

Đây cũng chính là sự thể hiện quốc gia bảo vệ quyền con người cho công dân nước mình, song vẫn phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền trong quốc gia để tiến hành giải quyết vụ việc đó theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự nói chung. Song, nguyên tắc này lại không được áp dụng trong trường hợp công dân của nước đó phạm các tội phạm quốc tế (tội phạm chiến tranh, chống loài người, diệt chủng, xâm lược) thì các quốc gia mà công dân là thành viên phải dẫn độ công dân cho nước ngoài xét xử, xử lý các tên phạm các tội ác quốc tế, bảo vệ sự bình yên của cộng đồng thế giới, chống lại các hành động tội ác và không khoan nhượng trước bất kỳ cá nhân nào.

2 thoughts on “THẨM QUYỀN XÉT XỬ VÀ VIỆC DẪN ĐỘ TRONG LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *