Doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải tìm đầu ra cho khẩu trang vải bởi thị trường trong nước đã quá tải trong khi xuất khẩu các mặt hàng may mặc khác cũng khó đầu ra.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải

Hơn 1 tháng nay, không chỉ các DN may mặc trực thuộc nhà nước quản lý mà rất nhiều DN lớn nhỏ trong ngành dệt may đổ xô sản xuất khẩu trang vải. Khẩu trang vải (bao gồm cả khẩu trang vải thông thường để chống bụi, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vừa kháng khuẩn vừa kháng nước, kháng giọt bắn) trở thành cứu cánh để các DN đắp đổi tình trạng thiếu hụt đơn hàng ngày càng trầm trọng do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật… lần lượt ngừng nhập hàng vì dịch bệnh. Thị trường trong nước cũng gần như tê liệt.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean từ đầu tháng 4 đã phải cho công nhân luân phiên 1 ngày làm/1 ngày nghỉ và chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất 500.000 chiếc/ngày để giữ chân lao động trong lúc trống đơn hàng. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, kỳ vọng đầu ra khẩu trang vải tốt thì sẽ tổ chức cho công nhân đi làm toàn thời gian trở lại. Nhiều DN may mặc khác cũng chung tình cảnh với Việt Thắng Jean; một số DN chuyên nhập khẩu, phân phối vải như Trung Quy cũng nhảy vào sản xuất khẩu trang vải.

Tìm đường cho khẩu trang vải xuất ngoại
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang tìm hướng xuất khẩu khẩu trang vải

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng cộng mỗi tháng ngành dệt may có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu khẩu trang vải và nguồn nguyên liệu để sản xuất đang rất dồi dào. Còn theo tính toán của Bộ Y tế, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Chênh lệch quá lớn giữa năng lực sản xuất và tiêu thụ đã đẩy các DN sản xuất khẩu trang vải đến nguy cơ tồn kho cao, sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtek), cho biết các DN trong hội đang lo sắp tới phải “giải cứu” khẩu trang vải. “Nhiều DN đang rất lo vì nguồn hàng dôi dư quá nhiều. Đã có 2 DN hội viên Agtek gặp khó vì sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng nhưng bên mua không nhận hoặc đề nghị giãn tiến độ giao hàng vì tiêu thụ quá chậm” – ông Hồng cho hay.